KD nhựa đường: 0936.855.079
-
KD dịch vụ cảng: 0983.981.182
lang-en

Đầu tư công tăng tốc

03/01/2024
Đầu tư công tăng tốc

Những công trường không ngày nghỉ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế, đặc biệt trong điều kiện rất khó khăn hiện nay. Các dự án công trình giao thông chiếm tỷ trọng rất lớn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, đang được triển khai đồng loạt tại tất cả các vùng miền, với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây. Theo người đứng đầu Chính phủ, khối lượng công việc thực hiện là rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, nỗ lực, tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn...

Cao tốc Mai Sơn - QL45 thông xe dịp 29.4.2023

Tính đến ngày 30.4, cả nước đã giải ngân đầu tư công 110.633 tỉ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dù thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%), song nếu về con số tuyệt đối lại tăng gần 15.000 tỉ đồng so với cùng kỳ 2022.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), cho biết xuyên suốt những ngày nghỉ lễ 30.4, cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn làm việc dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, với tinh thần "3 ca, 4 kíp" kịp đưa dự án dài 100,3 km về đích.

"Hiện dự án đã hoàn tất tuyến chính, các cầu vượt ngang, các hạng mục phụ như tổ chức giao thông... để thông xe vào ngày 19.5. Còn với một số hạng mục phụ như đường gom, do vướng mắc vật liệu đất đắp đã được gia hạn thêm tới ngày 30.6. Dù có một số khó khăn khách quan như ở địa phương sắp bắt đầu mưa nhiều, song ban vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch", ông Huy cho biết.

Sau 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thông xe vào 19.5 tới, Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa thêm 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 về đích từ nay đến cuối năm 2023.

Trong chỉ thị mới nhất về đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, Thủ tướng cũng đã chốt thời gian cho các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM. Bộ GTVT và các địa phương phải khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công trước ngày 30.6.

Bằng mọi cách giữ tiến độ dự án

Ngày 10.5, Ban Chỉ huy Dự án thành phần 2 Vành đai 3 TP.HCM (BCH) có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về khó khăn khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với khu đất 2D10 (xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh) do Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn (FORIMEX) quản lý. Theo đó, hơn 14 ha đất rừng được nhà nước cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm, thuộc diện giải tỏa để làm dự án Vành đai 3 nhưng doanh nghiệp (DN) này không hợp tác bàn giao. Do vậy, Thường trực BCH kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị công ty này bàn giao phần diện tích bị ảnh hưởng trước ngày 15.5. Nếu công ty không bàn giao thì áp dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất trước ngày 25.5.

Ngay hôm sau (11.5), BCH tiếp tục có công văn gửi Đảng ủy Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (công ty mẹ của FORIMEX) đề nghị kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xem xét kỷ luật chi bộ, cấp ủy chi bộ và đảng viên liên quan tại FORIMEX vì không hợp tác giao đất cho dự án. "Tối hậu thư" vừa gửi đi 1 ngày, đến 12.5, FORIMEX đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND TP.HCM, BCH và UBND H.Bình Chánh đồng ý bàn giao khu đất bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3, chưa cần tới sự can thiệp của lãnh đạo UBND TP.

Năm 2023, Bộ GTVT được giao số vốn đầu tư công kỷ lục với 94.161 tỉ đồng. Ước đến hết tháng 4.2023, Bộ đã giải ngân đạt khoảng 21.809 tỉ đồng, đạt 23,2% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đây cũng là kết quả cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước.

Chỉ trong 2 ngày, 14 ha đất của một đơn vị "không thiện chí, không chịu hợp tác" đã được xử lý rốt ráo. Chưa bao giờ công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho 1 dự án tại TP.HCM được thực hiện quyết liệt đến như vậy. Trước đó, TP.Thủ Đức, H.Củ Chi cũng đã bắt đầu tiến hành trả tiền đền bù cho các hộ, tổ chức đã đồng thuận giao mặt bằng, quyết tâm đạt mục tiêu bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6 để đáp ứng tiến độ khởi công 4 gói thầu xây lắp của Vành đai 3.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết toàn bộ hệ thống chính trị của TP đều đang dồn lực kiểm soát tiến độ của Vành đai 3 bởi chỉ riêng công trình này đã chiếm tới 80% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mà TCIP được UBND TP.HCM giao trong năm nay, tương ứng 23.000/31.000 tỉ đồng.

Cầu Mỹ Thuận 2, nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, đang dần hoàn thành

Theo ông Phúc, hiện TCIP đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho TP.Thủ Đức và các huyện số tiền hơn 5.624 tỉ đồng. Đợt 2 gồm 10.000 tỉ đồng sẽ tiếp tục triển khai trong tháng 9, 10 và sẽ hoàn tất chi trả trước tháng 11 năm nay. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 4 gói thầu xây lắp sẽ khởi công cuối tháng 6 tới cũng đã được thẩm định và phê duyệt. Từ nay đến cuối tháng 6, chủ đầu tư sẽ triển khai tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình. Việc xây lắp sẽ có 2 đợt chi trả, đợt 1 khoảng 2.000 tỉ đồng vào cuối tháng 6. Trong các tháng tiếp theo, lần lượt các gói thầu xây lắp sẽ tiếp tục khởi công và được tạm ứng tiền. Tỷ trọng giải ngân sẽ rơi vào cuối quý 2, tăng dần vào quý 3, quý 4 và đạt mức giải ngân 5.000 tỉ đồng vào cuối năm.

"Khi một nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, việc tập trung các nguồn lực, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công là hướng đi bắt buộc để khôi phục kinh tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động "ngốn" nhiều lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng. Khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường". Theo - TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức

"Tiến độ khởi công dự án trước 30.6 vẫn đang được giữ. Lộ trình đã có tiến độ rất rõ, tính theo từng tuần. Tất cả tiến độ đang kiểm soát đúng theo kế hoạch. Vành đai 3 chắc chắn phải giải ngân trên 95% trong năm nay. Lãnh đạo TP đang quyết liệt đạt mục tiêu giải ngân kỷ lục để tạo bước ngoặt cho kinh tế TP", ông Phúc khẳng định.

Tương tự là cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn tuyến quan trọng trong tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối với Vành đai 3, tạo vòng liên kết cho toàn vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, cũng mới được tái thi công sau 3 năm "treo cẩu". Để "giải cứu" con đường huyết mạch này do vỡ kế hoạch vay vốn nước ngoài, phía chủ đầu tư là VEC đã xin tự bố trí hơn 7.547 tỉ đồng trích dòng tiền tích lũy hợp pháp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để hoàn thành khối lượng công việc còn lại. VEC cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nhà thầu hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng hợp đồng nhằm đưa toàn bộ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành trong thời gian sớm nhất, không để trễ hẹn về đích vào năm 2025 như đã trình Chính phủ.

Tin liên quan

KD nhựa đường: 0936.855.079
-
KD dịch vụ cảng: 0983.981.182
message zalo
top
Thông báo
Đóng